Diễn biến Không_kích_biển_Đông

Tiến vào Biển Đông

Lộ trình di chuyển và các mục tiêu không kích của Đệ Tam Hạm đội từ ngày 9 tới ngày 21 tháng 1 năm 1945.[28][40]

Đệ Tam Hạm đội khởi hành từ Ulithi ngày 30 tháng 12 năm 1944. Vào ngày 3 và ngày 4 tháng 1, máy bay của hạm đội không kích dữ dội khu vực Formosa, Okinawa và các hòn đảo lân cận nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh tại vịnh Lingayen. Ngoài ra, máy bay còn tấn công các tàu hàng của Nhật Bản ở Formosa, đánh chìm ít nhất 3 tàu vận tải và làm hư hại 4 tàu hộ tống.[41] Theo yêu cầu của Đại tướng Douglas MacArthur, chỉ huy trưởng Mặt trận Tây Nam Thái Bình Dương. hạm đội tấn công vào các sân bay dã chiến của Nhật Bản tại Luzon vào ngày 6 và ngày 7 tháng 7. Trong khoảng thời gian đó, Phó Đô đốc Thomas C. Kinkaid, chỉ huy trưởng Đệ Thất Hạm đội chịu trách nhiệm cho cuộc đổ bộ tại vịnh Lingayen, đã yêu cầu Halsey có mặt tại khu vực phía Tây Luzon để làm nhiệm vụ hỗ trợ trên không. Halsey tin rằng hạm đội của ông không phù hợp với một nhiệm vụ thụ động như vậy, và thay vào đó, đã mở các cuộc tấn công tiếp theo vào các sân bay Nhật Bản ở phía nam Formosa, nơi gây ra mối đe dọa lớn nhất cho hạm đội của Kinkaid vào ngày 9 tháng 1.[42] Trong buổi sáng ngày 9 tháng 1, Nimitz cho Đệ Tam Hạm đội ra khỏi khu vực vịnh Lingayen và tiến vào Biển Đông.[43] Sau khi tất cả các máy bay đã hạ cánh vào buổi chiều hôm đó, Halsey ra lệnh thực hiện cuộc tấn công theo kế hoạch vào Biển Đông. Trong các hoạt động của hạm đội từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 1, máy bay của Đệ Tam Hạm đội đã phá hủy hơn 150 máy bay Nhật Bản, nhưng bị mất 86 chiếc, trong đó có 46 chiếc do tai nạn.[44]

Trong đêm ngày 9 và sáng ngày 10 tháng 1, phần lớn Đệ Tam Hạm đội cùng Nhóm Đặc nhiệm 30.7 đã đi qua Eo biển Bashi ở phía Bắc eo biển Luzon. Nhóm Đặc nhiệm 30.8 chỉ còn 6 tàu tiếp tế, 2 hàng không mẫu hạm hộ tống và một phần lực lượng khu trục hạm hộ tống, và họ tiếp cận Biển Đông thông qua eo biển Balintang ở phía Bắc Luzon.[20] Không hạm đội nào bị người Nhật phát hiện, dù máy bay tuần tra đêm của hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Independence đã bắn hạ 3 máy bay vận tải của Nhật đang bay từ Formosa tới Luzon.[20][45] Hạm đội cũng nhận được báo cáo rằng một đoàn tàu vận tải lớn của Nhật Bản, gồm khoảng 100 tàu, đang đi dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc về phía Formosa trong đêm 9 và sáng 10 tháng 1, nhưng Halsey quyết định không tấn công vì điều đó sẽ làm lộ vị trí lực lượng của ông ở Biển Đông, và có thể khiến Hải quân Nhật phản ứng bằng việc rút các thiết giáp hạm của họ ra khỏi khu vực.[43]

Nhóm Đặc nhiệm 38.2 đang tiếp tế nhiên liệu tại Biển Đông, ngày 11 tháng 1 năm 1945. Trong ảnh là khu trục hạm The Sullivans đang tiếp nhiên liệu từ tàu chở dầu Taluga.

Dù đã lên kế hoạch tiếp nhiên liệu cho các khu trục hạm của hạm đội vào ngày 10 tháng 1, thời tiết xấu đã ngăn cản điều đó và hoạt động tiếp liệu phải dời sang ngày hôm sau, khi hạm đội đang di chuyển về phía Tây Nam. Sau khi các khu trục hạm được tiếp nhiên liệu, Đệ Tam Hạm đội tổ chức lại đội hình chiến đấu. 2 tuần dương hạm hạng nặng và 5 khu trục hạm được chuyển từ Nhóm Đặc nhiệm 38.1 sang Nhóm Đặc nhiệm 38.2. Nhóm Đặc nhiệm 38.2, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Gerald F. Bogan, dự định tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Vịnh Cam Ranh từ 3 hàng không mẫu hạm chủ lực và 1 hàng không mẫu hạm hạng nhẹ vào sáng ngày 12 tháng 1. Hai thiết giáp hạm của Nhóm Đặc nhiệm, cùng với các khu trục hạm và tuần dương hạm, sẽ bắn phá khu vực và kết liễu các tàu bị hư hại trong các cuộc không kích.[46] Các mục tiêu không kích sẽ được các đơn vị tình báo ở khu vực Đông Nam Á cung cấp.[47] Đệ Tam Hạm đội nhanh chóng tiếp cận các khu vực mà không bị người Nhật phát hiện trong ngày 10 và 11 tháng 1.[46]

Các cuộc không kích tại khu vực phía Nam Đông Dương

Nhóm Đặc nhiệm 38.2 bắt đầu tiến vào gần vịnh Cam Ranh lúc 2 giờ tối 11 tháng 1, theo đó là Nhóm Đặc nhiệm 38.1 và 38.3, còn Nhóm Đặc nhiệm 30.8 thì ở lại khu vực trung tâm Biển Đông.[46] Trước bình minh ngày 12 tháng 1, Nhóm Đặc nhiệm 38.5 cho phóng máy bay để xác định vị trí của các tàu neo đậu trong và xung quanh vịnh Cam Ranh. Sau khi thông báo lại vị trí về hạm đội, họ tiếp tục đi tìm kiếm 2 thiết giáp hạm lớp Ise và các tàu chủ lực khác. Khi không tìm ra được những con tàu đó, đa phần người Mỹ tin rằng chúng đã được ngụy trang rất kĩ hoặc được neo đậu ở nơi nào đó kín kẽ. Phải mất đến vài tháng sau người Mỹ mới biết được rằng không hề có một con tàu chủ lực nào ở Cam Ranh ngày hôm đó.[48] Lúc 6 giờ sáng ngày 12 tháng 1, Nhóm Đặc nhiệm 38.2 chỉ cách vịnh Cam Ranh 80 km. TG 38.2 cùng 2 nhóm còn lại bắt đầu cho xuất kích đợt tấn công đầu tiên lúc 07:31 sáng, nửa tiếng trước khi mặt trời mọc.[49] Vì người Nhật vẫn chưa biết được rằng vị trí của Đệ Tam Hạm đội đang rất gần với họ, nên họ không thể chuẩn bị cho các đợt không kích sắp tới.[20]

Hai tàu vận tải của Nhật Bản đang bị tấn công ở khu vực vịnh Quy Nhơn, ngày 12 tháng 1 năm 1945. Con tàu đang bốc cháy là tàu chở dầu Ayayuki Maru.

Các cuộc không kích gây ra nhiều tổn thất cho người Nhật. Hai đợt xuất kích đầu tiên của Nhóm Đặc nhiệm 38.3 đã tấn công 1 đoàn vận tải gồm 10 tàu và được hộ tống bởi 7 tàu khác ở ngoài khơi Quy Nhơn. Cuộc tấn công dữ dội đã đánh chìm 4 tàu chở dầu, 3 tàu hàng, tuần dương hạm hạng nhẹ Kashii và 3 tàu hộ tống khác.[50][51] Một nhóm vận tải nữa được phát hiện và bị tấn công ở gần khu vực Mũi Dinh, đánh chìm 1 tàu chở dầu, 2 tàu kaibōkan và 1 tàu tuần tra cỡ nhỏ. Một đoàn tàu bao gồm 7 tàu vận tải cũng bị tấn công ở ngoài khơi Vũng Tàu, khiến 2 tàu hàng, 3 tàu chở dầu, 3 tàu Kaibōkan và 1 tàu đổ bộ bị đánh đắm hoặc phải ủi vào bờ để mắc cạn.[50]

Một tàu Kaibōkan bốc cháy sau khi trúng bom của máy bay thuộc hàng không mẫu hạm Lexington, Mũi Dinh, Đông Dương, ngày 12 tháng 1 năm 1945.

Máy bay Mỹ cũng tham gia không kích hệ thống cảng ở xung quanh và trong khu vực Sài Gòn. Hai tàu chở hàng và 1 tàu chở dầu bị đánh chìm ở trên sông Sài Gòn, 1 chiếc khác bị chìm ở ngoài biển. Tuần dương hạm Lamotte-Picquet cũng bị tấn công và bị đánh chìm ở Sài Gòn, dù con tàu có treo cờ của Pháp. Nhiều tàu khác neo đậu xung quanh Sài Gòn bị hư hỏng nặng, bao gồm 5 tàu vận tải, 2 tàu chở dầu, 3 tàu đổ bộ, 2-4 tàu kaibōkan, 1 tàu rải mìn và 1 tàu tuần tra cỡ nhỏ. Một số tàu phải ủi vào bờ để tránh bị chìm và bị phá hủy nặng nề bởi 1 cơn bão vài tháng sau đó.[52] Số máy bay còn lại của Đệ Tam Hạm đội thực hiện các nhiệm vụ tuần tra dọc khu vực từ Đà Nẵng tới Sài Gòn và tấn công các sân bay, ụ tàu và các ụ nhiên liệu.[52] Một trạm xe lửa ở Nha Trang và 1 cây cầu nối giữa Sài Gòn và Biên Hòa bị hư hại.[47] Các đội tàu mặt nước, được tách ra khỏi Nhóm Đặc nhiệm 38.2 lúc 6h40 sáng để tiến vào vịnh Cam Ranh, bao gồm 2 thiết giáp hạm, 5 tuần dương hạm và 12 khu trục hạm, không tìm thấy bất kì tàu Nhật nào.[53][54]

Cuộc tấn công trong ngày 12 tháng 1 đạt được nhiều thành công. Tổng cộng 46 tàu các loại của Nhật Bản bị đánh chìm, bao gồm 33 tàu vận tải với tổng tải trọng lên 142,285 tấn. 12 tàu trong số các tàu vận tải đó là tàu chở dầu. 13 tàu chiến bị đánh chìm bao gồm tuần dương hạm hạng nhẹ Kashii, 2 khu trục hạm, 7 tàu kaibōkan (CD-17, CD-19, CD-23, CD-35, CD-43, CD-51, Chiburi), 1 tàu tuần tra, 1 tàu rải mìn (Otowa Maru) và 1 tàu chở quân (T-140).[55][56][57] Phi công Mỹ cũng bắn hạ 15 máy bay và phá hủy 20 thủy phi cơ ở vịnh Cam Ranh và 77 chiếc nữa ở các sân bay khác nhau. Đệ Tam Hạm đội mất 23 máy bay.[55] Nhiều phi công Mỹ bị bắn rơi được giải cứu bởi những người dân địa phương và chính quyền thuộc địa Pháp. Họ từ chối giao nộp phi công Mỹ cho quân Nhật và thay vào đó, họ giúp những người phi công tìm đường trốn thoát qua biên giới Trung Quốc.[58] Phần lớn những phi công Mỹ bị bắn rơi tại Đông Dưong trong ngày 12 tháng 1 đều trốn thoát thành công và sau đó trở về nước.[55]

Các cuộc không kích ở Formosa

Lúc 07:31 chiều 12 tháng 1, Đệ Tam Hạm đội thay đổi lộ trình và di chuyển lên hướng Đông-Bắc để tập hợp với Nhóm Đặc nhiệm 30.8. Lộ trình này được giữ nguyên tới ngày 13 để tránh bão và máy bay trinh sát Nhật Bản. Biển động mạnh khiến việc tiếp nhiên liệu gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn hoàn thành việc tiếp liệu cho toàn bộ khu trục hạm đến ngày 13 tháng 1.[59] Trong ngày đó, Đô đốc Ernest King, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hải quân, đã ra lệnh cho Đệ Tam Hạm đội "di chuyển vào những vị trí chiến lược để ngăn chặn lực lượng của kẻ thù tiếp cận vịnh Lingayen từ phía Bắc và phía Nam". Trong lúc chuyển lệnh cho Halsey, Nimitz cho phép Halsey bắt đầu tấn công Hồng Kông nếu không xác định được thêm những mục tiêu quan trọng hơn.[60]

Hàng không mẫu hạm Lexington đang tiếp nhiên liệu từ 1 tàu tiếp dầu, Biển Đông, ngày 14 tháng 1 năm 1945.

Vào ngày 14 tháng 1, các tàu chiến Mỹ tiếp tục nhiệm vụ tiếp nhiên liệu dù thời tiết rất xấu. Phần lớn các tàu chủ lực đều được bơm đầy lên tới 60% dung tích chứa của tàu. Điều này đã khiến nguồn dự trữ dầu của Nhóm Đặc nhiệm 30.8 gần như bị cạn kiệt, khiến họ sau đó phải tách khỏi hạm đội để tập hợp với các tàu tiếp dầu khác gần Mindoro.[60] Sau khi hoàn tất việc tiếp nhiên liệu, Halsey cho hạm đội di chuyển về phía Bắc để tấn công Formosa. Điều kiện thời tiết vẫn tiếp tục xấu tới những ngày tiếp theo, và lúc 3 giờ sáng ngày 15 tháng 1, McCain khuyến nghị Halsey rằng nên hủy bỏ các đợt xuất kích và cho hạm đội di chuyển về phía Nam. Dù vậy, Halsey vẫn quyết định cho di chuyển về phía Bắc để chuẩn bị tấn công. Trong ngày hôm đó, Halsey đã cho máy bay xuất kích để làm nhiệm vụ trinh sát các khu vực Hạ Môn, đảo Hải Nam, Hồng Kông, quần đảo Bành HồSán Đầu để tìm kiếm vị trí của các thiết giáp hạm lớp Ise. Hàng không mẫu hạm Enterprise, 1 hàng không mẫu hạm làm nhiệm vụ ban đêm, đã phóng các máy bay của mình lúc 4 giờ sáng ngày hôm đó.[60]

Tàu đổ bộ T.14 của Nhật Bản phát nổ sau khi trúng bom của máy bay Mỹ, thành phố Cao Hùng, Đài Loan, ngày 15 tháng 1.

Các đợt xuất kích được bắt đầu lúc 7:30 sáng ngày 15 tháng 1, lúc đó Đệ Tam Hạm đội cách khu vực Hồng Kông khoảng 410 km về phía Đông Đông-Nam và cách Formosa khoảng 270 km về phía Đông-Nam.[61] Mười đợt máy bay được lệnh tiến về Formosa và 6 đợt khác tiến về các sân bay ở dọc bờ biển Trung Quốc. Ngoài ra, có 8 đợt khác tham gia tấn công vào các tuyến vận tải ở khu vực Cao HùngĐào Viên của Formosa. Dù xác định được các vị trí của tàu Nhật Bản, phần lớn các tốp máy bay gặp nhiều khó khăn vì thời tiết xấu và hỏa lực phòng không mạnh. Khu trục hạm Hatakaze và tàu đổ bộ T.14 bị đánh chìm ở cảng thành phố Cao Hùng và 1 tàu chở dầu khác bị hư hỏng nặng và buộc phải ủi vào bờ. Nhiều cuộc xuất kích phải chuyển hướng sang Mã Công và quần đảo Bành Hồ, nơi có thời tiết ôn hòa hơn, và đánh chìm khu trục hạm Tsuga. Phi công Mỹ ghi nhận rằng họ đã bắn hạ 16 máy bay Nhật và phá hủy 18 chiếc đang đậu trên sân trong ngày hôm đó; 12 máy bay Mỹ bị bắn rơi hoặc gặp tai nạn. Lúc 4:44 chiều, hạm đội chuyển hướng về phía Hồng Kông và các khu vực phía Nam Trung Quốc để chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào ngày tiếp theo.[62]

Không kích Hồng Kông và các khu vực phía Nam Trung Quốc

Hồng Kông bị người Nhật chiếm đóng vào tháng 12 năm 1941, và trở thành một căn cứ hải quân và hậu cần quan trọng trong khu vực.[63] Các đơn vị Không lực Lục quân của người Mỹ đóng tại Trung Quốc đã liên tục tấn công Hồng Kông từ tháng 10 năm 1942. Phần lớn các cuộc không kích chỉ sử dụng các máy bay cỡ nhỏ, và các mục tiêu trong cảng được các nhóm du kích Trung Quốc báo cáo về thường xuyên.[64] Từ tháng 1 năm 1945, Hồng Kông liên tiếp bị không kích bởi máy bay ném bom Mỹ.[65]

Tàu Nhật Bản neo đậu tại cảng Hồng Kông đang bị tấn công dữ dội bởi máy bay Hải quân Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 1 năm 1945.

Cuộc tấn công của Đệ Tam Hạm đội bắt đầu vào ngày 16 tháng 1 và đợt xuất kích đầu tiên khởi hành lúc 7:32 sáng.[62] Mục tiêu chính của cuộc không kích là Hồng Kông, với sự tham gia của 138 máy bay vào buổi sáng và 158 chiếc vào buổi chiều.[66] Máy bay Mỹ đánh chìm 5 tàu chở hàng cỡ lớn và 1 tàu chở dầu, và làm hư hại nhiều chiếc khác.[56][67] Sân bay Kai Tak bị ném bom hư hỏng nặng và toàn bộ số máy bay đậu trên mặt đất ngày hôm đó đều bị phá hủy. Hệ thống ụ tàu Cửu Long và Thái Cổ cũng bị hư hỏng nặng.[67] Nhiều mục tiêu khác, bao gồm ụ khô ở Aberdeen và tuyến đường sắt Cửu Long-Tổng Can cũng bị tấn công bởi máy bay Mỹ.[9] Các khu làng ở Hồng Khám, gần khu vực ụ khô Cửu Long cũng bị ném bom khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng và bị thương.[67] Khu trại Stanley bị trúng 1 quả bom, khiến 14 thường dân phương Tây bị giam giữ ở đó thiệt mạng.[68] Phi đội Trinh sát Chiến thuật số 118 của Không đoàn 14 cũng tham gia tấn công tàu hàng ở Hồng Kông vào ngày 16 tháng 1 nhưng đã không có sự phối hợp với các đội bay bên Hải quân.[65] Đây là cuộc không kích lớn nhất nhằm vào Hồng Kông trong Thế chiến II.[69]

Các đơn vị đồn trú của Nhật Bản tại Hồng Kông đã chống trả quyết, sử dụng các chiến thuật phòng không đặc biệt hiệu quả mà người Mỹ chưa từng gặp phải trước đây. Một báo cáo của Hải quân Hoa Kỳ mô tả hỏa lực phòng không mà chiếc máy bay phải đối mặt là "dữ dội đến khó tin".[66][67][70] Các đội máy bay ném ngư lôi TBF Avenger được điều động đến Hồng Kông đã chịu tổn thất rất nặng nề do các đợt tấn công tầm thấp của chúng dễ bị hỏa lực phòng không bắn trả.[70]

Thuộc địa Ma Cao của Bồ Đào Nha cũng bị tấn công. Dù Bồ Đào Nha tuyên bố trung lập từ năm 1939, chính phủ thuộc địa đã buộc phải chấp nhận sự hiện diện của các "cố vấn" Nhật Bản kể từ năm 1943 và đã mua bán vũ khí để lấy lương thực. Mục tiêu chính của cuộc đột kích là một kho dự trữ nhiên liệu hàng không tại Căn cứ Không quân Hải quân Ma Cao.[71][72] Hai binh sĩ và một số dân thường thiệt mạng.[73] Các đơn vị đồn trú của Ma Cao không có vũ khí phòng không hiệu quả nên đã không bắn hạ được một máy bay Mỹ nào.[74]

Các cuộc tấn công khác đã được thực hiện nhằm vào các địa điểm ở miền nam Trung Quốc trong ngày 16 tháng 1. Các cuộc tấn công nhằm vào thành phố Tổng Can, và hai cuộc đột kích và hai cuộc truy quét bằng máy bay chiến đấu nhằm vào các địa điểm ở Hải Nam.[62][66] Ngoài ra, máy bay chiến đấu đã tấn công các sân bay dọc theo bờ biển Trung Quốc giữa Bán đảo Lôi Châu ở phía tây đến Sán Đầu ở phía đông, nhưng chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt của một ít máy bay Nhật Bản.[62]

Thương vong của người Mỹ vào ngày 16 tháng 1 là 22 máy bay bị bắn rơi trong chiến đấu và 27 máy bay bị mất trong các vụ tai nạn.[62] Người Nhật tuyên bố chỉ riêng Hồng Kông đã bắn rơi 10 máy bay.[67] Các phi công của Hải quân Hoa Kỳ báo cáo đã tiêu diệt 13 máy bay Nhật Bản.[62] Ít nhất 4 phi công Mỹ đã bị bắt làm tù binh sau khi máy bay của họ bị bắn rơi gần Hồng Kông, và bảy người khác may mắn trốn thoát và đến được các vùng tự do của quân Đồng Minh ở Trung Quốc.[9] Một trong những tù nhân Mỹ (Trung úy Richard L. Hunt) sau đó đã bị sát hại bằng cách tiêm thuốc độc tại trại tù binh chiến tranh Ōfuna ở Nhật Bản.[75]

Rút lui khỏi Biển Đông

Sau khi hoàn tất các cuộc không kích vào ngày 16 tháng 1, Đệ Tam Hạm đội chuyển hướng về phía Nam để tiếp nhiên liệu. Do điều kiện thời tiết tiếp tục có diễn biến xấu vào ngày tiếp theo nên việc tiếp nhiên liệu đã không được hoàn thành. Thời tiết trở nên tệ hơn vào ngày 18 tháng 1, khiến các hoạt động tiếp liệu gần như không thể thực hiện được.[70] Trong khoảng thời gian đó, các cơ quan tuyên truyền của Nhật Bản liên tục tuyên bố rằng hạm đội của người Mỹ đang bị "mắc kẹt trong chai" và sẽ bị tiêu diệt nếu nó cố gắng thoát ra khỏi Biển Đông.[66] Được các chuyên gia khí tượng báo cáo về tình hình thời tiết sẽ tiếp tục xấu tới ngày 19, Halsey quyết định cho hạm đội rút lui khỏi Biển Đông thông qua eo biển Surigao ở miền trung Philippines thay vì đi lên hướng Bắc và vòng qua Luzon.[70] Nhưng khi Nimitz biết được điều này, ông đã yêu cầu hạm đội phải đi qua eo biển Luzon, mặc dù Halsey được toàn quyền đưa ra quyết định cuối cùng về lộ trình của lực lượng. Nimitz cho rằng nếu Halsey cho đi qua khu vực trung tâm Philippines thì sẽ bị các đơn vị đồn trú của Nhật Bản đóng tại các đảo xung quanh phát hiện, dẫn đến khả năng sẽ bị Hải quân Nhật Bản tổ chức tấn công dọc tuyến đường này.[76] Ngoài ra, việc đi lên hướng Bắc sẽ giúp hạm đội của Halsey có nhiều vị trí tốt để thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo, bao gồm Formosa và quần đảo Ryuku.[66]

Halsey đã quyết định theo ý của Nimitz. Sau khi hạm đội của ông hoàn thành việc tiếp nhiên liệu vào ngày 19 tháng 1, họ bắt đầu di chuyển lên hướng bắc về eo biển Balintang, tuy vậy, Nhóm Đặc nhiệm 30.8 đã tách ra khỏi hạm đội và đi qua eo biển Surigao.[77] Trong ngày 20 tháng 1, hạm đội đi qua eo biển Balintang với sự dẫn đầu của 1 hải đoàn khu trục hạm. Nhiều máy bay Nhật được radar phát hiện trong thời gian này và 15 chiếc trong số đó, đang làm nhiệm vụ sơ tán các quân nhân thuộc Không lực Lục quân Đế quốc Nhật Bản ra khỏi Luzon, bị bắn hạ. Hạm đội của Halsey đi qua eo biển thành công lúc 22:00 cùng ngày mà không gặp bất kỳ cuộc tấn công nào của Nhật Bản.[78]